Chuyển động dự án FDI lĩnh vực điện tử quy mô lớn

Các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực điện tử đang có những động thái tăng đầu tư, mở rộng hoạt động, hướng tới việc đưa nhà máy tại TP.HCM trở thành cứ điểm sản xuất hàng đầu.

Intel, Samsung mở rộng đầu tư

Ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM thông tin, tính đến thời điểm này, trên địa bàn Thành phố có 50 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư trong ngành công nghiệp điện tử, với vốn đầu tư đăng ký hơn 5,058 tỷ USD, diện tích sử dụng đất hơn 326 ha. Trong đó, 17 dự án điện tử có quy mô vốn đầu tư từ 20 triệu USD trở lên đang hoạt động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

Đáng chú ý, nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới trong lĩnh vực điện tử hiện đã có dự án đầu tư tại TP.HCM như Intel, Samsung, First Solar, Furukawa Automotive Parst, Renesas…

Ngay dịp đầu năm, trong bối cảnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, cả 2 đại gia là Intel và Samsung đồng loạt có động thái tăng đầu tư, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp với thông điệp khá rõ ràng về việc cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam.

Cụ thể, Công ty Intel Products Việt Nam đã điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 475 triệu USD, đưa tổng số vốn đầu tư đăng ký lên hơn 1,5 tỷ USD.

Ông Alan Danner, Giám đốc tài chính của Intel Việt Nam cho biết, đến nay Intel Việt Nam đã chế tạo và xuất khẩu trên 2 tỷ sản phẩm thiết bị vi xử lý và bán dẫn. Tính đến hết năm 2020, tổng giá trị xuất khẩu lũy tiến của nhà máy Intel Việt Nam đạt trên 50 tỷ USD và tạo ra gần 7.000 việc làm, trong đó gồm 2.700 nhân viên Intel.

Khoản đầu tư mới giúp Intel tăng cường sản xuất các sản phẩm 5G, bộ xử lý Intel Core với công nghệ Intel Hybrid và bộ xử lý Intel Core thế hệ 10.

Cũng dịp này, Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (Hàn Quốc) được đồng ý điều chỉnh thông tin dự án và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, từ doanh nghiệp công nghệ cao sang doanh nghiệp chế xuất.

Dự án của Samsung tại Khu công nghệ cao TP.HCM được cấp phép lần đầu ngày 25/9/2014. Vốn đầu tư của dự án cho đến nay là 2 tỷ USD. Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 93 ha, quy mô sản xuất 19 triệu sản phẩm/năm; doanh thu bình quân năm hơn 4,2 tỷ USD, trong đó giá trị nhập khẩu hơn 2,5 tỷ USD, giá trị xuất khẩu hơn 3, 6 tỷ USD; nộp ngân sách hơn 2.700 tỷ đồng…

Theo đánh giá, việc Samsung chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi khi phần lớn sản phẩm được làm ra là phục vụ xuất khẩu, mà còn hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của Samsung và nhất là các doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đầu tư dự án trên địa bàn TP.HCM và vùng phụ cận.

First Solar tăng tốc

Ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng ban Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM cho biết, theo tổng hợp của Ban, trong các khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn Thành phố hiện có 45 dự án FDI lĩnh vực điện tử đang hoạt động, với tổng vốn đầu tư hơn 1,7 tỷ USD.

“Chỉ tính riêng dự án First Solar của Mỹ ở Khu công nghiệp Đông Nam đã có vốn đầu tư đăng ký hơn 1,066 tỷ USD”, ông Hưng thông tin.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Chan See Chong, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sản xuất First Solar Việt Nam cho biết, doanh nghiệp đã thực hiện việc đầu tư xây dựng 2 nhà máy tại KCN Đông Nam, hướng tới việc đưa nhà máy tại Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất hàng đầu. Tập đoàn First Solar hiện có 3 cơ sở sản xuất chính trên toàn cầu tại Mỹ, Malaysia và Việt Nam.

Theo công bố của First Solar, tổng vốn đầu tư cho 2 nhà máy mới này là 830 triệu USD. Nhà máy đầu tiên sản xuất module năng lượng mặt trời Series 6 từ thời điểm cuối năm 2018.

“Khi cả hai nhà máy đi vào sản xuất, tổng công suất của First Solar sẽ đạt đến 2,4 GW/năm”, ông Chan See Chong cho biết.

Doanh nghiệp cũng điều chỉnh tăng công suất lên gấp đôi, với khoảng 5,31 triệu module/năm, so với công suất dự kiến ban đầu là 2,655 triệu module/năm. Dự kiến, sản phẩm làm ra chủ yếu được xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu.

Theo đại diện First Solar, việc sản xuất pin năng lượng mặt trời công nghệ màng mỏng Series 6 với nhiều sự khác biệt, ưu điểm nổi trội, sẽ là đối trọng cạnh tranh sòng phẳng với các công nghệ truyền thống, trong đó có công nghệ đa tinh thể silicon, hiện phần lớn do các doanh nghiệp Trung Quốc sản xuất và có thể cung cấp hơn 2/3 số tấm pin mặt trời cho thị trường toàn cầu.

“Chúng tôi mong muốn, thời gian tới sẽ có nhiều cuộc trao đổi với các cấp chính quyền và các nhà đầu tư bất động sản, phát triển các dự án năng lượng mặt trời, để tìm hiểu, đáp ứng được kỳ vọng của thị trường Việt Nam”, đại diện First Solar cho biết.

Nguồn: baodautu.vn

Tin xem nhiều

Kết nối

0Thành viênThích
0Người theo dõiĐăng Ký