Tuyến cao tốc Tp.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ dài hơn 100 km sẽ được thông toàn tuyến vào năm 2022.
Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, giai đoạn 1 sẽ được thẩm định theo các quy định về đầu tư công.
Sáng nay (29/4), Thủ tướng Chính phủ đã có công văn 498/TTg – CN về việc thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, giai đoạn 1.
Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, giai đoạn 1 theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công.
Trước đó, Bộ GTVT đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, giai đoạn 1 theo hình thức đầu tư công.
Theo đó, Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 22,97 km, đi qua địa phận 2 tỉnh Vĩnh Long và Đồng Tháp với điểm đầu tại Km107+363,08 – kết nối với cầu Mỹ Thuận 2 thuộc địa phận Thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long; điểm cuối tại Km 130+337 (nút giao Chà Và, kết nối QL1 hiện hữu) thuộc địa phận Thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Trong giai đoạn 1, Dự án được phân kỳ đầu tư quy mô 4 làn xe với bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h.
Với quy mô xây dựng nói trên, tổng mức đầu tư Dự án giai đoạn 1 ước khoảng 4.827,32 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng 2.891,51 tỷ đồng.
Dự án đã được cân đối bố trí 932 tỷ đồng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của Bộ GTVT nên đây sẽ là dự án chuyển tiếp trong giai đoạn 2021-2025. Theo quy định của Luật Đầu tư công (Điều 51 và Điều 52), kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục bố trí vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 đối với số vốn còn lại khoảng 3.895,32 tỷ đồng.
Hiện nay, cầu Mỹ Thuận 2 đang triển khai xây dựng, dự kiến hoàn thành năm 2023, do vậy, Bộ GTVT kiến nghị tiến độ hoàn thành cơ bản Dự án trong năm 2022, hoàn thành toàn bộ Dự án trong năm 2023 để đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh lãng phí.
Bộ GTVT dự kiến áp dụng hình thức chuyển nhượng, cho thuê quyền khai thác, quyền sử dụng tài sản công. Cụ thể, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu lập thành dự án riêng để tiếp tục đầu tư các hạng mục phục vụ quản lý, khai thác (nhà điều hành, trạm thu phí,…) và tổ chức thu phí sử dụng đường bộ như đối các dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020.
Dự kiến đơn vị được nhượng quyền thu phí sẽ tiếp tục đầu tư các hạng mục phục vụ quản lý, khai thác và thu phí; khoảng 12 năm sẽ thu hồi tổng số vốn đã đầu tư cho Dự án.